Nhược điểm cụ thể, được chỉ rõ: các đội này họ lên bóng rất chậm. Đó là đặc điểm nói lên sự thận trọng của lối chơi thiên về phòng thủ; hoặc đó là cách tấn công kém hiệu quả?
Đội Ý vô địch EURO 2020, còn Anh là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch EURO 2024, mà lại không thể, hoặc không dám tấn công? Thống kê chuyên môn chỉ rõ: đây là hai đội có tốc độ tấn công chậm nhất trong toàn bộ vòng bảng. Khi sở hữu bóng, Anh chỉ đưa được bóng về phía trước với tốc độ bình quân 1,24 m/giây, xếp chót giải trong thống kê này. Đứng ngay trên đội Anh chính là Ý (1,34 m/giây).
Đội Anh dường như đang chịu nhiều bất công
Kỳ thực, thông số thống kê này khá mơ hồ. Có vẻ báo chí Anh đang bị cuốn vào cơn say chỉ trích đội bóng của họ. Trong 6 đội tấn công chậm nhất EURO (theo thông số thống kê vừa nêu), thì có đến 5 "ông kẹ". Đội Tây Ban Nha, Đức, Bồ Đào Nha đều nằm trong số này (đội còn lại là Slovakia). Ngược lại, trong số 3 đội có tốc độ lên bóng nhanh nhất, có đến hai đội đã bị loại (Ba Lan, CH Czech, đội còn lại là Georgia). Cũng với cách thống kê tương tự, khi nhìn vào giải Ngoại hạng Anh, người ta thấy đội có tốc độ lên bóng chậm nhất (1,38 m/giây) chính là nhà vô địch vĩ đại Man.City!
Rõ ràng, bóng đá không thể là trò chơi của những con số, hoặc bóng đá không thể là nô lệ của số liệu thống kê. Bây giờ, các đội ở đẳng cấp cao đều yêu cầu triển khai bóng "ngay từ hàng thủ", nghĩa là khi có bóng thì thủ môn phải chuyền ngắn (tất nhiên còn tùy tình huống, hoàn cảnh cụ thể) để bảo đảm quả bóng vẫn ở trong chân đội mình. Không riêng gì quả phát dài của thủ môn, các đội có lối chơi đơn giản, hễ có bóng cứ phất dài về phía tiền đạo thì dĩ nhiên được ghi nhận "tốc độ lên bóng" cao. Pha tấn công có dễ thành bàn hay không lại là chuyện khác.